Ngày 28/02/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định 261/QĐ-BKHCN năm 2023 công bố Tiêu chuẩn quốc gia về lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Tại Điều 1 Quyết định 261/QĐ-BKHCN năm 2023, công bố 02 Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) sau đây:
– TCVN 3890:2023: Phòng cháy chữa cháy – Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình – Trang bị, bố trí;
– TCVN 13657-1:2023: Phòng cháy chữa cháy – Hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao – Phần 1: Yêu cầu thiết kế và lắp đặt.
Nội dung và phạm vi áp dụng của 02 Tiêu chuẩn TCVN 3890:2023 và TCVN 13657-1:2023 được xác định như sau:
Tiêu chuẩn lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy – (1) TCVN 3890:2023:
– Tiêu chuẩn này quy định về trang bị, bố trí phương tiện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy cho nhà, công trình, đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo quy định, khi:
+ Xây dựng mới;
+ Cải tạo làm tăng quy mô hoặc chuyển đổi công năng sử dụng của gian phòng, nhà, công trình;
+ Cải tạo làm tăng quy mô của khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo quy định.
+ Thay đổi hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của gian phòng, nhà, công trình theo hướng tăng tính chất nguy hiểm cháy.
– Đối với nhà và công trình ngoài việc tuân thủ tiêu chuẩn này còn phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng của các loại hình công trình đó, trong trường hợp có quy định khác với quy định tại tiêu chuẩn này, phải áp dụng quy định có yêu cầu cao hơn.
– Đối với nhà và công trình chưa có quy định cụ thể thì nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về PCCC theo quy định của pháp luật hiện hành hoặc thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành cấp Bộ về phòng cháy và chữa cháy.
(2) TCVN 13657-1:2023:
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với việc thiết kế và lắp đặt hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao cho nhà và công trình. Tiêu chuẩn này không áp dụng để thiết kế hệ thống chữa cháy bằng nước, bọt cho đám cháy kim loại, cũng như các chất và vật liệu có hoạt tính hóa học mạnh, bao gồm:
– Các chất phản ứng với chất chữa cháy gây nổ (hợp chất nhôm, kim loại kiềm, …);
– Các chất phân hủy khi tương tác với chất chữa cháy và giải phóng các khí dễ cháy (hợp chất lithium, azide chì, hydrua nhôm, kẽm, magie, …);
– Các chất tương tác với chất chữa cháy có tác dụng tỏa nhiệt mạnh (axit sulfuric, titan clorua, …);
– Các chất tự cháy khi tiếp xúc với nước (natri hydrosulfite, …).